Chia tay xóm trọ chật hẹp với những công nhân sống tằn tiện mỗi tháng chỉ dùng hết 2 số điện, chúng tôi được nữ công nhân tên Minh (SN 1988, quê Vĩnh Phúc) dẫn đến một vài quán bar, karaoke trên địa bàn xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.
Theo lời giới thiệu của Minh, nơi đây được xem là "chốn ăn chơi xa xỉ", rất nhiều công nhân không dám bước chân tới. Tuy nhiên đối với một bộ phận nhỏ công nhân, nơi này được gọi là “điểm đến” mỗi khi họ nhận lương.
Vừa đi, Minh vừa kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện buồn về cặp vợ chồng. Họ sống cùng xóm trọ với nữ công nhân này đã 3 năm. Cặp đôi kết hôn 2 năm trước, làm công nhân ở 2 công ty khác nhau. Theo Minh, thời gian đầu mới cưới, họ là cặp vợ chồng tằn tiện và chịu khó nhất mà cô từng gặp.
“Công ty cho tăng ca bao nhiêu, hai vợ chồng ấy đi làm bấy nhiêu. Họ làm nhiều đến mức sống cùng một xóm trọ nhưng có tháng chị em chúng tôi không nhìn thấy mặt nhau”, Minh nói.
Theo lời Minh, cặp vợ chồng này làm nhiều, thu nhập cao nhưng lại chi tiêu rất dè sẻn. Lần nào đi chợ, người vợ cũng chỉ mua mớ rau, vài quả trứng hoặc vài con cá biển về kho thật mặn. Nhưng khi người vợ mang thai rồi về quê sinh con thì mọi thứ thay đổi hoàn toàn.
“Thời gian cô vợ ở quê cũng là lúc công ty của người chồng ít việc, không được tăng ca. Vì thế anh ta thường xuyên theo lời rủ rê của bạn bè đến quán bar nhậu nhẹt, hát hò.
Sau đó, người chồng này lại có tình ý với cô nhân viên phục vụ tại quán. Từ đó, cứ lĩnh lương là anh ta lại vội vàng đến đấy vung tiền”, Minh cho biết.
“Không thấy chồng về thăm con, lại thấy chồng rút tiền trong thẻ ngân hàng liên tục, người vợ bắt đầu nghi ngờ. Chị ấy gọi cho mọi người trong xóm trọ, gọi cho cả mình để hỏi về chồng. Sau đó, chị bế con đến thẳng quán hát để tìm chồng”, Minh nói tiếp.
Vẫn lời của Minh, vì suốt ngày đi làm, ít va chạm xã hội nên khi bị cám dỗ, nhiều công nhân đã không thể vượt qua.
“Mình có một cô bạn cùng công ty (nhân vật yêu cầu giấu tên) ngoan ngoãn, xinh đẹp nhưng gia cảnh khó khăn. Cô ấy liên tục bán sức lao động, làm tăng ca để có thu nhập gửi về cho gia đình. Cả công ty, ai cũng thương, cũng quý. Thế rồi không hiểu có ai giới thiệu, cô ấy lại nhận việc làm thêm ở quán hát. Từ đó cô ấy thay đổi hoàn toàn, từ diện mạo đến tính cách”, Minh vừa nói vừa lắc đầu.
Vẫn lời của Minh, sau khi đi làm thêm ở quán hát được 2 tháng, cô gái này đã nghỉ hẳn việc ở công ty để dành hết thời gian cho công việc ở quán hát.
Một trong số những quán bar-karaoke mà Minh dẫn chúng tôi đến nằm sâu trong con ngõ. Trước cửa quán, có 2 cô gái chân dài ăn mặc gợi cảm cười rất tươi khi thấy khách bước vào.
N (SN 1990) quản lý quán bar cho biết: “Khách đến quán chủ yếu là công nhân. Nhân viên ở đây cũng phần lớn là công nhân”.
Vẫn lời của N, quán bar của anh liên tục tuyển nhân viên. Mỗi giờ có khách hát, các nữ nhân viên sẽ được trả 80 nghìn đồng. Số tiền này chưa bao gồm “tiền boa” (tiền thưởng của khách).
“Ở đây chỉ tổ chức sinh nhật, hát hò lành mạnh và lịch sự chứ không có chuyện "nhạy cảm". Nhân viên phục vụ chỉ làm những việc như rót bia, chọn bài hát và có thể hát cùng khách”, N nói.
Do đó với người quản lý này, những công nhân có ngoại hình đẹp, giọng hát tốt và nhiệt tình được xem là lợi thế. N cũng bật mí cho biết, ở quán của anh, có nhân viên thu nhập tới 35 triệu đồng/tháng.
“Tiền lương thì chỉ 80 nghìn đồng/giờ nhưng nếu nhân viên khéo thì sẽ được khách “boa” nhiều. Tiền khách cho, nhân viên được cầm toàn bộ chứ chủ quán không liên quan”, N khẳng định.
Huyền, một nhân viên làm việc tại quán, cũng khẳng định lại những điều N nói. Huyền cho biết: “Quán hát luôn trong tình trạng “cháy phòng”. Vào những ngày cuối tuần, nếu không đặt trước thì khó có phòng để vui chơi”.
Huyền cũng nói, khách đến quán chủ yếu là công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên họ khá chịu chi nhất là vào khoảng thời gian cuối tháng, vừa được nhận lương. Khi vào quán, họ không chỉ hát mà còn ăn uống hết mình. Những công nhân này cũng sẽ không tiếc tiền bồi dưỡng nếu nhân viên phục vụ khiến họ hài lòng.
Chính vì thế, theo Huyền, thu nhập trung bình của các nhân viên ở đây đều ổn định ở mức 15 đến 17 triệu đồng/tháng.
“Dịp lễ Tết cuối năm, có nhân viên còn thu nhập 40 triệu/tháng”, Huyền nói bằng giọng đầy hãnh diện. Cũng theo Huyền, chính vì khoản thu nhập “khủng” so với việc đi làm ca kíp nên đã có những nữ công nhân, sau khi theo bạn đến quán đã quyết định ở lại làm việc tại đây.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét