Ở Việt Nam, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi, thiếu chiều cao so với chuẩn, 6 trẻ lại có 1 trẻ nhẹ cân. Mặt khác, cứ 100 trẻ lại có 5 trẻ bị thừa cân, béo phì.
Có nơi tỷ lệ trẻ béo phì xấp xỉ 30 – 40%
PGS.TS Lê Bạch Mai - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Hiện nay, trẻ em Việt Nam đang đối mặt với gánh nặng kép về dinh dưỡng đó là: nhiều trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, trong khi tỉ lệ trẻ thừa cân béo phì lại gia tăng nhanh. Cụ thể, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi, thiếu chiều cao so với chuẩn, 6 trẻ lại có 1 trẻ nhẹ cân. Mặt khác, cứ 100 trẻ lại có 5 trẻ bị béo phì. Như vậy, cả suy dinh dưỡng thấp còi lẫn thừa cần béo phì đều trở thành gánh nặng kép về dinh dưỡng.
Về mặt dinh dưỡng, dù suy dinh dưỡng hay béo phì đều để lại những hậu quả nặng nề đối với sức khỏe. 40% trẻ thừa cân béo phì ở tuổi ấu thơ sẽ bị béo phì khi trưởng thành. Đối với trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, không những chiều cao hạn chế, mà đến tuổi tứ tuần, dễ phát triển thành thừa cân béo phì, và kèm theo các bệnh mạn tính không lây.
Cũng theo PGS.TS Mai, đối với trẻ thừa cân béo phì, tình trạng này gia tăng nhanh chóng nhất là ở khu vực thành phố, và những nơi chuyển đổi từ xã phường lên quận. Độ tuổi thừa cân béo phì nhiều nhất là độ tuổi đi học. Ở độ tuổi này, các cháu bị thừa cân béo phì nhiều nhất là ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Ở thành phố Hồ Chí Minh, ở một số trường điểm, quận nội thành, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có thể xấp xỉ 30-40%.
Thừa cân béo phì dễ biến chuyển thành bệnh mãn tính không lây: như tăng huyết áp, tiểu đường. Gánh nặng bệnh tật cả về thiếu dinh dưỡng lẫn thừa dinh dưỡng đều để lại hậu quả đối với sức khỏe.
Phương pháp ăn phù hợp nhất đối với trẻ béo phì
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai chia sẻ thêm, đối với trẻ béo phì thì cần phải cân đối dinh dưỡng. Nên hạn chế đồ ăn nhanh vì những thực phẩm này thậm chí làm cho trẻ chưa thừa cân đã béo phì. Đồng thời, việc chia số bữa trong ngày rất quan trọng và không nên để trẻ mất bất kỳ bữa ăn nào. Nếu trẻ bình thường ăn 3 bữa/ngày, thì thừa cân béo phì nên chia nhỏ bữa ăn, dàn ra thành 4 - 5 bữa giúp đường huyết trẻ ổn định.
Bữa ăn phụ huynh phải chuẩn bị đa dạng thực phẩm, rau cần có nhiều màu, mới đáp ứng nhu cầu. Bữa ăn đa dạng tạo màu sắc khác nhau và bổ sung dinh dưỡng đa dạng bởi không thực phẩm nào tốt cho tất cả, để giúp bé có đủ vitamin để giúp cho tăng trưởng, phát triển khung xương. PGS.TS Mai cho rằng, trẻ thừa cân béo phì có khi ăn 5 - 10 phút đã hết cả bữa ăn, làm trẻ chưa thấy no. Chính vì vậy, nên duy trì thời gian ăn 20 - 25 phút. Trình tự xếp đặt món ăn trong một bữa quan trọng, làm dạ dày trẻ lấp đầy. Uống một cốc nước giúp trẻ tiêu hóa, lấp đầy dạ dày, rồi ăn thức ăn kèm rau và cơm. Nên ăn cơm từ từ, không nên ăn quá nhanh.
“Dùng nhiều giải pháp sẽ tốt hơn 1 giải pháp, theo đó, cần khuyến khích trẻ vận động, làm việc nhà, tiếp xúc với thiên nhiên 60 phút 1 ngày để giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn.” – PGS.TS Mai cho hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét